(NSO) – Lần đầu tiên một mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử chính thức ra đời ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu “khát” nhân lực của thương mại điện tử và kinh doanh số Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ tiếp tục cất cánh trong thời gian tới…
Ngày 7/9/2022, trong khuôn khổ Hội thảo về đào tạo Thương mại điện tử 2022, một mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử đã chính thức được công bố với sự tham gia của các trường đại học có đào tạo về thương mại điện tử trên cả nước.
Trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã ký quyết định về việc thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử. Mạng lưới được hình thành với 4 mục tiêu chính. Thứ nhất hình thành một mạng lưới kết nối các thành viên phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thương mại điện tử và kinh doanh số, đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn nhân lực chất lược cho sự phát triển của ngành.
Thứ 2 là huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hội viên hiệp hội, các thành viên mạng lưới giúp gắn kết đào tạo với thực tiễn. Thứ 3 là hỗ trợ thúc đẩy phát triển đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực thương mại điện tử. Thứ 4 là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyên nghiệp về thương mại điện tử và kinh doanh số.
MỤC TIÊU 50% CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Theo Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2022 của VECOM, tới nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Nhiều sinh viên ngành thương mại điện tử đã có việc làm từ những năm cuối và trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp hầu hết đã có việc làm với thu nhập khá. Nhu cầu tuyển sinh ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số tăng nhanh.
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại, bao gồm những trở ngại về giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn…
Theo đại diện VECOM, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử hiện nay đang và sẽ thiếu hụt trầm trọng. Hàng năm, Hiệp hội phối hợp xây dựng chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, điều mong mỏi nhất chính là làm thế nào để cung cấp lực lượng thương mại điện tử chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu cho phát triển.
Chia sẻ thực tế này, Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, quy mô thương mại điện tử Việt Nam thời gian đã phát triển mạnh mẽ, đặt ra những nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực để lĩnh vực này tiếp tục cất cánh trong thời gian tới.
Trước Covid, thương mại điện tử ở Việt Nam luôn có tốc độ phát triển từ 25-30%/năm. Mặc dù một số ngành kinh tế khác trong Covid có tốc độ tăng trưởng âm nhưng thương mại điện tử vẫn có những bước tăng trưởng 18% (năm 2020) và 16% (năm 2021).
Quy mô thị trường thương mại điện tử luôn được đánh giá xếp thứ 3 Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Theo đánh giá của nhiều Tập đoàn thương mại điện tử lớn, mặc dù quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng sau Indonesia nhưng sức bật, mặt bằng nhân lực ở Việt Nam vượt Indonesia, ngang bằng Thái Lan, và sau Singapore. Để đào tạo được một người ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trực tuyến ở Indonesia mất thời gian gấp đôi ở Việt Nam. Nguồn nhân lực tham gia thương mại điện tử ở Việt Nam khá trẻ và có khả năng hấp thụ công nghệ mới nhanh nhạy, có thể khởi nghiệp trên môi trường số… Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho các hoạt động đào tạo nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam, bà Lại Việt Anh nhận định.
Việt Nam có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, gần 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Trong 2 năm Covid có hơn 5,5 triệu người tiêu dùng trực tuyến tham gia thị trường chủ yếu ở nông thôn và ngại thành. Điều này đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn đáp ứng cho phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng đồng nghĩa dư địa cho các cơ sở đào tạo nhân lực thương mại điện tử là rất lớn.
Phát triển nguồn nhân lực luôn là một trụ cột lớn của kế hoạch phát triển thương mại điện tử Việt Nam. Đây cũng là 1 trong 7 nhóm giải pháp lớn nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2016- 2020 ở Việt Nam. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc đào tạo chính quy có sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Nguồn nhân lực là một trong 5 nhóm chỉ tiêu đo lường, định vị thị trường trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 5 năm 2021-2025. Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021- 2025 của Chính phủ đề ra mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đào tạo thương mại điện tử.
Tới nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã tích cực triển khai hoạt động này. Với tốc độ mở ngành, chuyên ngành của các trường như hiện nay, các chuyên gia kỳ vọng, đến năm 2025 Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tổng thể.