Thị trường bất động sản ế ẩm, nhà đầu tư cắt lỗ mong thoát hàng. Ảnh minh hoạ
(NSO) – Cơn sốt đất dần qua đi, thị trường bất động sản chứng kiến phân khúc đất nền lao dốc, thanh khoản gặp khó khi bên bán vẫn cố neo giá cao, còn bên mua thì không dám “ôm”. Trước diễn biến trên, nhiều chuyên gia dự đoán giá đất sẽ suy giảm mạnh vào dịp cuối năm, khiến nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ để thoát hàng.
Báo VTC News đưa tin, anh Trần Văn Giao, một nhà đầu tư tại Bắc Ninh cho biết, cuối năm 2021, anh mua một căn biệt thự hơn 100m2 tại Gia Lâm (Hà Nội) với giá 19,4 tỷ đồng. Căn biệt thự này nằm trong khu đô thị hoàn chỉnh, đầy đủ tiện ích, tương lai sẽ có thêm 2 con đường lớn được mở đi qua. Nhận thấy tiềm năng tăng giá lớn, anh Giao đã chấp nhận vay ngân hàng 70% với hy vọng sẽ bán lướt nhanh để kiếm lời.
Thực tế, căn biệt thự này được chủ đầu tư bàn giao cuối năm 2020, lúc ký hợp đồng có giá khoảng 9,5 tỷ đồng. Sau đó được sang tên cho một chủ mới với giá 16,5 tỷ đồng và chỉ 3 tháng sau, chủ mới này lại sang tên cho anh Giao với giá chênh gần 3 tỷ đồng.
“Thời điểm năm 2021, chuyện giá một căn biệt thự tăng tiền tỷ trong thời gian ngắn là bình thường và thực tế, các nhà đầu tư sang tay vẫn đều có lãi. Tôi nghĩ rằng, giá đất trong đà tăng phi mã nên mình ôm vào 1,2 tháng bán lướt cũng kiếm tiền tỷ”, anh Giao chia sẻ.
Tuy nhiên, từ đầu tư năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản chững lại rõ rệt. Đoán giá cuối năm còn giảm nữa, anh gửi căn biệt thự rao bán khắp nơi nhưng vẫn chưa thể thoát hàng.
“Áp lực trả nợ ngày càng lớn, mỗi tháng số tiền gốc và lãi tôi phải trả lên tới hơn trăm triệu đồng. Trước đây, tôi rao bán chênh khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng giờ tôi chỉ bán bằng giá mua là 19,4 tỷ đồng, chấp nhận lỗ 5 – 7% tiền lãi suất tiết kiệm”, anh Giao nói.
Dù chấp nhận hạ giá, bán giá gốc từ 2 tháng nay nhưng căn biệt thự của anh Giao hiện vẫn gần như không ai hỏi mua. “Tôi như ngồi trên đống lửa, chỉ muốn thoát hàng nhanh để trả nợ ngân hàng”, anh Giao than.
Theo báo Dân Việt, cũng trong cảnh tương tự, anh Thọ ở TP.HCM đã lỡ xuống cọc 200 triệu để mua lô đất ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước để đầu tư. Tuy nhiên, do ngân hàng không chấp nhận giải ngân khoản vay mua đất của anh Thọ, bản thân cũng đang gặp khó khăn không mượn được tiền của người thân, bạn bè để đầu tư nên anh đành huỷ cọc, chịu mất 200 triệu vì rao bán sang cọc khắp nơi mà chưa có người mua.
Trên các diễn đàn nhà đất, nhiều thông tin rao bán cắt lỗ đất xuất hiện dày đặc nhưng lượng giao dịch thành công rất ít. Diễn biến này trái ngược với những tháng trước, lúc thị trường còn sôi động, chủ yếu người có nhu cầu đăng tìm mua đất , thậm chí nhiều người còn tranh nhau đặt cọc mỗi khi có ai đăng bán mảnh đất đẹp với giá cả hợp lý.
Anh Thông, một môi giới đất tại khu vực Chơn Thành (Bình Phước) cho biết, thời điểm đầu năm, khu vực Becamex Chơn Thành giá đất tăng liên tục. Hàng loạt nhà đầu tư nhảy vào tìm mua đất, lướt cọc kiếm lời hàng trăm triệu.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại sức mua bán trầm lắng rõ rệt, nhiều người ôm đất phải “đỏ mắt” tìm khách, chấp nhận cắt lỗ, thậm chí bị ép giá nếu muốn ra hàng nhanh.
“Nhiều nhà đầu tư không đủ tài chính lỡ ôm đất vào thời điểm cơn sốt lên đỉnh, đến khi giá đất hạ nhiệt không xoay xở nổi đành bỏ cọc. Thậm chí có nhiều người đã lỡ xuống tiền nhưng thời gian dài không có lời, kẹt vốn nên đành chấp nhận bán cắt lỗ”, anh Thông cho hay.
Tình trạng hủy cọc cũng đang diễn ra tại nhiều thị trường nóng phía Nam, đặc biệt là vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Long An, Tây Ninh,…
Báo Dân trí đưa tin, nhận định về thị trường sắp tới, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển dự báo, trong những tháng cuối năm, thanh khoản giảm toàn thị trường, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn. Ông Hiển nhấn mạnh, việc giảm thanh khoản đã xuất hiện từ quý I nhưng đến bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Cũng theo vị chuyên gia này, bất động sản tại nhiều khu vực sẽ có khả năng giảm giá. Đó là các khu vực từng sốt đất, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng đến nay việc đầu tư hạ tầng và khai thác kinh doanh không đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, đất nền nhiều khu vực ven TPHCM cũng sẽ giảm giá.
Sang đến năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phục hồi cục bộ, xuất hiện đầu tư lướt sóng ở một số khu vực, các nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân.
Ông Hiển cho rằng, sẽ có nhiều điểm sáng giúp phục hồi thị trường năm 2023. Trong đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển dù kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, tạo động lực một số thị trường bất động sản.
Đầu tư FDI tiếp tục tăng tạo động lực cho bất động sản công nghiệp và khu dân cư. Các chính sách mới ra đời giúp chuẩn hóa và minh bạch thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tiến trình đô thị hóa vẫn phát triển tăng nhu cầu nhà ở đô thị.
Về xu thế đầu tư giai đoạn cuối năm 2022 – 2023, vị chuyên gia cho rằng du lịch có những tín hiệu tích cực nhưng chưa được nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ. Bất động sản phân lô tại các khu vực xa, khu vực nông nghiệp sẽ giảm thanh khoản mạnh và xuất hiện bán cắt lỗ từ 10 – 30%. Phong trào đầu tư farmstay sẽ suy thoái.