Hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn” do Báo Tuổi trẻ và Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) tổ chức ngày 22/4.
NHIPSONGONLINE – Sáng ngày 22/4, hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn” do Báo Tuổi trẻ và Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) tổ chức ngày 22/4 đã cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu và khách mời thảo luận các vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị, ý nghĩa dòng sông đối với người dân thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thời gian qua thành phố quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn đến cảnh quan sông Sài Gòn như một trục mới trong sự phát triển TPHCM. Vừa qua, sở được giao chuẩn bị đề án này, đến nay đã hoàn thiện đề án phát triển kinh tế sông Sài Gòn trình UBND TP. Sở đề xuất UBND TP rà soát lại tổng thể dọc sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến mũi Đèn Đỏ (quận 7). Trong đó, tập trung rà soát những khu vực đã và đang quy hoạch, khu vực nào phát triển không phù hợp với chính sách chiến lượt phát triển sông Sài Gòn sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể.
Trong phiên thảo luận mở, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và các khách mời tham dự đã cùng thảo luận về các vấn đề xung quanh câu chuyện: Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn.
Theo KTS. Hồ Viết Vinh, sông Sài Gòn là bố cục chính của tổng thể TPHCM. Phía Bắc thành phố có rừng Củ Chi, phía Nam có rừng Sác, rất giống với đô thị Paris. Đây như 2 lá phổi cân bằng hệ sinh thái. Do đó, KTS. Hồ Viết Vinh cảnh báo nếu không thay đổi cách ứng xử với sông Sài Gòn thì chỉ một phần tư thế kỷ nữa chúng ta sẽ nhận hậu quả.
Cũng tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả đạt giải cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn”, cũng là hoạt động của diễn đàn. Diễn ra từ ngày 5/3 đến 20/4/2022, cuộc thi đã nhận về hàng trăm bài viết dự thi là những ý tưởng, giải pháp, ý kiến đóng góp, hiến kế… của bạn đọc gửi về, góp phần thay đổi hiện trạng đôi bờ sông Sài Gòn – dòng sông mang trong mình nhiều tiềm năng lớn về phát triển xã hội và kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, ban tổ chức còn lựa chọn, tập hợp hơn 50 hiến kế đặc sắc của cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” gửi đến lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, với mong muốn góp phần cung cấp cho các cơ quan quản lý thêm nguồn tư liệu, thông tin đa chiều để xây dựng đề án quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn trong thời gian tới hiệu quả và thực tiễn.
Hoàng Quyên