Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng.
Sáng 19/6, sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này với 91,10% đại biểu Quốc hội tán thành.
Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập.
Nghị quyết quyết định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp căn cứ quy định để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, việc tách biệt ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế có nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay.
Mặt khác, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là nhằm hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, tăng tích lũy để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không loại trừ các doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng ra khỏi đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung của Nghị quyết này hướng tới các doanh nghiệp khó khăn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động và nền tảng quản lý, công nghệ chưa phát triển, khả năng phục hồi sau dịch khó khăn hơn.
Mặt khác, nếu áp dụng cả 4 tiêu chí về lao động, doanh thu, vốn và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động như quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế sẽ khó để triển khai hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp ngay trong năm 2020.
Trong khi đó, nếu lấy tiêu chí doanh thu sẽ phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đúng bản chất kinh tế, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kê khai thuế và công tác quản lý của cơ quan thuế. Trường hợp chỉ áp dụng đối với những đối tượng có doanh thu 2020 giảm so với doanh thu năm 2019 thì các doanh nghiệp mới thành lập năm 2020 sẽ không có doanh thu của năm 2019 để đối chiếu và dễ phát sinh tiêu cực khi tổ chức thực hiện.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa trong dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô vừa được giảm thuế là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tình hình khó khăn nên nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ khó đạt doanh thu 200 tỷ đồng.
Về thời hạn hiệu lực và hiệu lực thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đã được khống chế, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang có chiều hướng suy giảm. Việt Nam và các nước đang dần nới lỏng các biện pháp phòng ngừa quyết liệt, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi.
Bên cạnh đó, việc kéo dài việc giảm thuế sẽ gây áp lực lên điều hành ngân sách qua các năm. Trong trường hợp kinh tế nước ta vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn vào cuối năm hoặc sang đầu năm sau, nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét trình Quốc hội kéo dài thời hạn hiệu lực của Nghị quyết.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành, thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế quyết toán theo năm và có thể tạm nộp hàng quý. Việc quyết toán thuế năm 2020 sẽ được thực hiện vào 31/3/2021. Quy định thời hạn hiệu lực ngay sau thời điểm Quốc hội thông qua hoặc sau 45 ngày không thay đổi nội dung của chính sách. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.