(NSO) – Qua những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc, “Về đi con! – Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên” dẫn dắt ta vượt qua những vết thương lòng, khơi dậy tình yêu thương và sự cảm thông. Hãy “trở về” cùng tác giả Mộc Trầm để ta thấy bản thân mình chưa bao giờ thực sự cô đơn, và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, trân trọng hơn những thứ đang hiện hữu trong cuộc đời ta.
Chúng ta – những tâm hồn rệu rã tìm nơi vỗ về
Những khi cuộc sống trở nên quá đỗi mỏi mệt, khi lòng ngổn ngang giữa những bộn bề không tên, bạn có chốn nào để được “trở về”?
Ta “trở về” với gia đình, với căn bếp nhỏ, với bữa cơm giản dị nhưng đong đầy tình cảm – từng điều giản đơn ấy chính là điểm tựa vững chãi khi cuộc sống ngoài kia đã khiến ta chao đảo.
Ta “trở về” với những người bạn thân thương – một cái ôm, một câu nói động viên hay chỉ cần lặng im bên cạnh ta, cũng đủ làm dịu lại những cảm xúc chơi vơi, giúp ta cảm nhận rằng mình không cô đơn giữa thế gian rộng lớn này.
Và dẫu ta chẳng có nơi nào đón đợi, hay chênh vênh với câu hỏi: Liệu rằng còn một nơi nào để ta nép chút bình yên giữa những mỏi mệt và bão giông của cuộc đời? Dù ngoài kia có giống như một cơn bão lớn, dù bạn cảm thấy không còn ai bên cạnh, thì vẫn luôn có một nơi bình yên chờ đón bạn – đó là những ngôi chùa, là lòng từ bi của những vị thầy sư sẵn sàng dang tay che chở. Đó là nơi giúp ta nhớ rằng, khi ta đủ tĩnh lặng, tâm ta sẽ sáng, và giữa dòng đời vạn biến, ta vẫn có thể tìm được bình yên.
Qua “Về đi con! – Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên”, tác giả Mộc Trầm kể lại những câu chuyện thấm đẫm tình người nơi cửa Phật, để ta vừa khóc, vừa cười lại vừa suy tư trước những khía cạnh sâu sắc của cuộc sống. Đây cũng là quyển sách thứ 3 của tác giả Mộc Trầm sau Lén nhặt chuyện đời và Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười.
Cùng “Về đi con!” trú một góc an yên cho tâm hồn
Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong Về đi con! – Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên như một chiếc gương phản chiếu, giúp ta thêm trân trọng những nỗi đau, khát khao và cả những khoảnh khắc bình dị, ấm áp của đời thường. Tác giả khéo léo dẫn dắt chúng ta vào thế giới của sự chân thành, nơi mà những giọt nước mắt không chỉ là nỗi buồn mà còn là sự giải thoát, là niềm an ủi sau những giai điệu rộn ràng của cuộc sống. Từng câu chữ trong quyển sách sẽ nhẹ nhàng ôm ấp và vỗ về những tâm hồn đang lẻ loi, để lắng nghe và nhìn sâu hơn vào nội tâm, như thể đang mở cánh cửa để chạm vào chính trái tim mình..
Đọng lại trong lòng ta là những cái tên chẳng thể nào quên, là Trùng Dương, Bình Minh, là Du Đăng, là vị sư Thầy đáng kính; hay cả những nhân vật chẳng tên, chẳng tuổi như ông bà bán nước mía, là cô gái trót dại giữa đời chông gai, hay là chàng trai đau lòng vì tình trước ngày xuất gia,… Trong chính những câu chuyện ấy, ta lại bắt gặp lại chính mình – có thể là một người trẻ đang lạc lối giữa muôn vàn áp lực tìm nơi nương tựa, một người ôm khư khư giữ những tiếc nuối và khao khát về những giấc mơ chưa thành, một người lầm đường lạc lối tìm kiếm ngọn hải đăng của cuộc đời,… Và có lẽ, cuốn sách này chính là ngọn đèn dẫn lối, giúp ta vững lòng hơn giữa những bước đường chông gai, nhắc nhở ta rằng dẫu cuộc đời có nhiều buồn đau, thì niềm vui giản dị vẫn luôn hiện diện, nếu ta biết lắng nghe và trân trọng từng khoảnh khắc.
Tác giả Mộc Trầm đã khéo léo lồng ghép những bài học cuộc sống qua từng câu chuyện, giúp ta nhìn nhận những nỗi đau không chỉ là gánh nặng mà còn là cơ hội để ta trưởng thành hơn. Không chỉ là những lời tâm sự đầy chân thành, “Về đi con” còn là một điểm tựa, một sự chở che ấm áp cho những tâm hồn lẻ loi. Đôi khi, ta nên dừng chân nghỉ ngơi trên cuộc hành trình hối hả và tự hỏi mình rằng: đôi khi để được yêu thương và thấu hiểu, tất cả những gì ta cần là một lần quay lại tự hỏi chính mình rằng có điều gì mình đã từng bỏ lỡ chưa?
P.V