(NSO) – Ngày 19-9, Trường ĐH Văn Lang tổ chức khóa học công nghệ bán dẫn: từ vật liệu đến ứng dụng thực tế. Khóa học cao mang đến cơ hội cho các cá nhân muốn nghiên cứu sâu hơn về công nghệ bán dẫn…
Trong bài phát biểu khai mạc với chủ đề “Mở khóa tương lai công nghệ bán dẫn”, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng VLU cho rằng, trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và nó tiếp tục đóng một vai trò then chốt trong việc định hình bối cảnh công nghệ trong thế giới của chúng ta. Sự xuất hiện của AI trong những năm gần đây càng làm tăng thêm nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm đặc biệt này.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng VLU
Như quý vị có thể đã biết, Việt Nam đã liên tục thể hiện tham vọng hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Tháng 8 vừa qua, chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, với kế hoạch đào tạo 50 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực này. Chúng tôi hiểu rằng lực lượng lao động lành nghề là yếu tố quyết định chính trong bối cảnh cạnh tranh này.
Chương trình Summer School của chúng tôi ngày hôm nay đánh dấu sự khởi đầu nỗ lực hỗ trợ mục tiêu chiến lược này của Việt Nam. Đây là cơ hội quý giá để cộng đồng bán dẫn Việt Nam trao đổi với các chuyên gia toàn cầu để có cái nhìn cập nhật về những tiến bộ và triển vọng của ngành. Thông qua sự tương tác này, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng một mạng lưới chuyên gia toàn cầu mạnh mẽ trong lĩnh vực này cho Việt Nam, mở đường cho sự hợp tác trong tương lai, các chương trình trao đổi và các cơ hội hợp tác khác với các tổ chức và công ty hàng đầu trên toàn thế giới. Những hiểu biết độc đáo từ Summer School này góp phần soi sáng cho việc phát triển chương trình đào tạo về bán dẫn tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng nó sẽ đóng vai trò cầu nối giữa học thuật và công nghiệp, tạo ra tác động hiệp lực trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, sự phát triển mạnh mẽ của ngành này cùng với dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn quốc tế không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức lớn đối với đất nước. Công nghệ bán dẫn đóng vai trò then chốt trong tiến bộ của ngành điện tử và công nghệ thông tin hiện đại, từ thiết bị di động đến máy tính hiệu suất cao, từ hệ thống năng lượng tái tạo đến ứng dụng y tế.
Tại Hội nghị Phát triển Nguồn Nhân lực phục vụ Công nghiệp Bán dẫn diễn ra vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, một lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong phát triển quốc gia. Thủ tướng đề nghị đặt trọng tâm vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo công nghệ nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.
Là một trong những trường đại học tiên phong trong việc áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực giáo dục từ năm 2021, Trường Đại học Văn Lang đã xây dựng nền tảng đào tạo vững chắc trong khối ngành Công nghệ – Kỹ thuật, đặc biệt là các ngành mũi nhọn liên quan đến thị trường vi mạch bán dẫn như Kỹ thuật – Cơ Điện tử, Công nghệ thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật hàng không,… Vào tháng 1/2024, Trường Đại học Văn Lang tổ chức thành công Hội thảo về ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín trong và ngoài nước.
Tiếp nối chiến lược phát triển của quốc gia, từ ngày 19 đến 21/9/2024, Trường Đại học Văn Lang tổ chức khóa học cao cấp VLU Summer School 2024 với chủ đề “Bán dẫn: Từ Vật liệu đến Ứng dụng thực tế”.
Khóa học có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn như GS. Aaron Thean – Hiệu trưởng, Phó chủ tịch Đại học Quốc gia Singapore; Cô Nguyễn Bích Yến – Chuyên gia cao cấp, IEEE Fellow, Soitec, USA(Viện Kỹ sư Điện và Điện tử); GS. Gong Xiao – Giám đốc Chương trình Trung tâm SHINE, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore; GS. Jean Pierre Colinge – cựu chuyên gia tại TSMC, IMEC, Leti và UC-Davis; GS. Sorin Cristoloveanu – Giám đốc Nghiên cứu CNRS (Pháp), GS. Yeow Kheng Lim – Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore (NUS); TS. Nguyễn Ngọc Mai Khanh – Quản lý nhân sự cấp cao của Marvell Technology (Hoa Kỳ); Ông Hoàng Nguyễn, cựu Giám đốc tại GlobalFoundries (Hoa Kỳ); ThS. Bùi Phạm Lan Phương – Chủ tịch Hội đồng Trường Công nghệ – Trường Đại học Văn Lang; GS. TS. Võ Nguyễn Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường Công nghệ – Trường Đại học Văn Lang cùng với sự tham dự của các sinh viên, giảng viên, nhân viên và kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Dựa vào tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, khoá học VLU Summer School 2024, với chủ đề “Bán dẫn: Từ Vật liệu đến Ứng dụng thực tế” tại Trường Đại học Văn Lang là cơ hội để người học tiếp thu các giá trị và kiến thức vượt trội, tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng và tầm nhìn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Người tham dự có cơ hội tiếp thu kiến thức từ các bài giảng chuyên sâu, tham gia các workshop thực hành, tương tác trực tiếp với các chuyên gia, mở rộng mạng lưới quan hệ trong ngành, cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất và tăng cường cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đang phát triển nhanh chóng.
Trong khuôn khổ sự kiện, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Trường Đại học Văn Lang (VLU) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), thúc đẩy các hoạt động học thuật, nghiên cứu và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Sự kiện ký kết này không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai trường, mà còn mở ra một bước ngoặt mới cho Trường Công nghệ Văn Lang (VLTECH). Với cam kết đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ, VLTECH sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu toàn cầu và sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ. Văn Lang khẳng định vai trò tiên phong trong việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích ứng và dẫn đầu trong bối cảnh công nghệ không ngừng thay đổi.
P.V