Chương trình ra mắt sách diễn ra đúng dịp tưởng niệm 15 năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam (13-8-2008 – 13-8-2023). Đại diện gia đình cố nhà văn Sơn Nam và thân hữu, các tác giả và những người có đóng góp to lớn cho việc ra đời hai quyển sách cùng đông đảo độc giả yêu mến văn chương Sơn Nam đã tới dự.
Nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008) sinh ở Kiên Giang. Gia đình ông vốn từ Cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, chim muông. Đó chính là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của ông sau này.
Tác phẩm đầu tay của Sơn Nam là tập thơ Lúa reo, xuất bản năm 1948. Về sau ông viết văn xuôi, cảm thấy “thuận tay” hơn và theo đường ấy. Tên tuổi của ông thực sự được biết đến rộng rãi trên văn đàn sau tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau – 1962.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Trẻ, cho biết, từ năm 2003 đến nay, trong suốt thời gian 20 năm, từ 10 tác phẩm ban đầu đến nay NXB đã xuất bản được 22 tác phẩm của nhà văn Sơn Nam với nhiều phiên bản khác nhau.
“Chúng tôi tiếp tục phát triển hoặc làm mới hơn tác phẩm của nhà văn Sơn Nam với mong muốn đưa tác phẩm của ông đến với nhiều độc giả trẻ. Và đặc biệt, trong năm nay, chúng tôi có ý định dịch tác phẩm của nhà văn Sơn Nam để giới thiệu ra thế giới. Có một NXB Mỹ đã hỏi đến Hương rừng Cà Mau để đưa vào sách kinh điển của họ trong mảng sách Văn học Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Ra mắt bạn đọc hơn 10 năm trước, trong lần trở lại này, Đi và ghi nhớ mang đến một diện mạo mới, cũng có thể xem là nỗ lực của NXB Trẻ nhằm bổ sung vào bộ sưu tập sách Sơn Nam ngày càng trọn vẹn và đầy đủ hơn. 56 bài báo hầu hết đã được đăng tải trên Tạp chí Xưa & Nay, thuộc các chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán của con người Sài Gòn – Nam bộ xưa và nay.
Hai tác phẩm mới nhất được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 15 năm ngày nhà văn Sơn Nam đi xa |
Ngoài dã sử, truyện ngắn, truyện dài… Sơn Nam còn thành công ở những công trình biên khảo như Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh Miệt Vườn, Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa…
Tưởng nhớ 15 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, dịp này, sự kiện “Trò chuyện về nhà văn Sơn Nam và các tác phẩm”, ra mắt hai tựa sách Sơn Nam – Những góc đời quen lạ, Sơn Nam – Đi và ghi nhớ sẽ diễn ra vào sáng ngày 13/8 tại Hội quán Văn nghệ sĩ, 81 Trần Quốc Thảo, TPHCM.
Sơn Nam – Những góc đời riêng lạ là những bài viết về cha mình của con gái ông Sơn Nam – chị Đào Thúy Hằng, mang đến một góc nhìn rất khác, nhưng cũng tràn ngập bình dị, giản dị, đầy yêu thương như ông Sơn Nam vốn như thế. Ở cuốn sách này, còn có những bài viết độc đáo của các tác giả, nhà văn, nhà báo miền Nam yêu quý ông: Lý Lan, Võ Đắc Danh, Ngô Khắc Tài, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Lam Điền…
“Đi và ghi nhớ” là tựa một bài báo tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam thuở sinh thời, đăng trên tạp chí Xưa & Nay năm 1997, và nay được chọn làm tựa tập sách mới. Nhà văn Sơn Nam có sức viết dồi dào, cho đến nay, vẫn chưa có công trình nào thống kê được đầy đủ tất cả những bài viết và tác phẩm của ông. Hơn 300 trang sách của tác phẩm Đi và ghi nhớ trong lần in này gồm gần 56 bài báo thuộc các chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán của con người Sài Gòn – Nam bộ.
P.V