Trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Long An và các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý dự án 7 cho biết thêm, dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án gần 10.000 tỷ đồng, hoàn thành sau 4 năm.
Ban Quản lý dự án 7 đánh giá với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện nay, nguy cơ quá tải nghiêm trọng trong tương lai.
Theo đó, tuyến đường hiện có 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h, khai thác từ 13 năm trước. Theo thống kê, hơn 50.000 lượt xe di chuyển qua cao tốc TP.HCM – Trung Lương mỗi ngày đêm, khiến tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn.
Theo đơn vị tư vấn, khi mở rộng, cao tốc có tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 200 ha đã được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công với kinh phí hơn 9.700 tỷ đồng. Khi hoàn thành việc mở rộng, cao tốc phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài gần 40 km. Về quy mô đầu tư, sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp.
Về thời gian thực hiện, theo Ban Quản lý dự án 7, chủ đầu tư sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2023.
Dự kiến, dự án khởi công trong năm 2025, tổ chức thi công, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2027.
Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng được đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương lên 8 làn xe với tổng vốn hơn 5.300 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư PPP. Trong đó, vốn ngân sách là 2.650 tỷ đồng (chiếm 50%).
Năm 2022, Liên danh Cienco 6 – Coteccons – Thuận Việt cũng kiến nghị Bộ GTVT cho phép chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo phương thức PPP.