(NSO) – Ngày 6/5/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Giáo Dục IRED tổ chức tọa đàm và ra mắt sách “Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và tôi” của tác giả Giản Tư Trung, Chủ tịch Học viện Quản lý PACE. Đây là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Ban Giám hiệu các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và Phổ thông trung học trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng nhân văn hơn, hiệu quả hơn.
Cuốn sách vừa chia sẻ mô hình giáo dục, một số góc nhìn riêng của tác giả Giản Tư Trung, vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam…
Theo Tiến sỹ Giản Tư Trung, Chủ tịch Học viện Quản lý PACE, “Phương pháp Sư Phạm” luôn linh hồn và là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và từng ngôi trường dù ở bất cứ nơi đâu. Bởi lẽ, muốn đào tạo ra những con người như thế nào thì cần áp dụng những “Phương pháp sư phạm” tương ứng.
Do vậy, sư phạm là một trong những vấn đề quan trọng và quan trọng hơn hết đối với các nhà giáo và cả phụ huynh là phương pháp sư phạm. Trong đó, thầy cô giáo đóng vai trò trọng yếu để thực hiện công việc giáo dục và vai trò của nhà giáo tốt….
Đây là cuốn sách do nhà giáo dục, Tiến sĩ Giản Tư Trung dày công thực hiện trong suốt nhiều năm, với sự trợ giúp của các cộng sự ở Viện Giáo dục IRED.
Cuốn sách vừa chia sẻ mô hình giáo dục của tác giả, vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ triết lý đến chính sách, từ nguyên lý đến phương pháp, từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục.
Qua cuốn sách này, TS Giản Tư Trung mong góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trên phương diện “phương pháp sư phạm” và giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm góc nhìn để làm công việc giảng dạy của mình tốt hơn.
Tác giả tin rằng, trở thành người giỏi hay người tốt có thể là điều vô cùng khó, nhưng ai cũng có thể trở thành người giỏi hơn hay tốt hơn, nếu mình muốn. Và cụ thể trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, ai cũng có thể trở thành một người thầy tốt hơn, chỉ cần mình đủ muốn.
Dẫu biết rằng, nhà trường, thầy cô và phụ huynh dù có rất nhiều cố gắng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi chính mình; do vậy chúng ta không nên có tham vọng biến tất cả nhà trường, thầy cô, phụ huynh trở thành những hình mẫu hoàn hảo hay thay đổi hoàn toàn, để rồi có thể cảm thấy thất vọng hay tuyệt vọng trong những nỗ lực của mình.
Nhưng sẽ luôn khả thi khi mỗi nhà trường, mỗi thầy cô hay mỗi bậc cha mẹ chúng ta có thể giảng dạy tốt hơn so với chính mình của ngày hôm qua, và liên tục nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy của mình theo hướng ngày một nhân văn hơn và hiệu quả hơn.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Kim Ngọc, Viện Giáo Dục IRED, cũng nhìn nhận cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu giáo viên và 25 triệu sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, trên hầu hết các kệ sách của các nhà xuất bản, nhà sách hay thư viện phần lớn là sách giáo dục, sách dạy làm kinh doanh nhanh, làm kinh tế giỏi, sách chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho chính mình, làm giàu nhanh, nhưng sách về phương pháp sư phạm gần như vắng bóng…
Chính vì thế, cuốn sách “Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và tôi” vừa chia sẻ mô hình giáo dục, một số góc nhìn riêng của tác giả Giản Tư Trung vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ triết lý đến chính sách, từ nguyên lý đến phương pháp. Từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn, nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trên phương diện “Phương pháp Sư phạm” và giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm góc nhìn để làm công việc giảng dạy của mình tốt hơn.
Tác giả Giản Tư Trung hiện là Chủ tịch Học viện Quản lý PACE, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship.
Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện sau đại học Geneva; tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; tốt nghiệp Tiến sĩ về giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore và tốt nghiệp Tiến sĩ về giáo dục tại Đại học London (UCL).
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã vinh danh ông là một nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một nhà hoạt động giáo dục.
P.V