Mua hàng ảo, mất tiền thật
Dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 cận kề, xu hướng mua hàng online đang chiếm ưu thế rất lớn trên thị trường. Bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng, gia dụng thì quần áo, giày dép, các mặt hàng thời trang cũng được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua theo hình thức online. Tuy nhiên, lợi dụng khe hở này, nhiều đối tượng đã nghĩ ra chiêu thức lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội khiến cho không ít người phải “dở khóc dở cười” vì bị lừa.
Theo đó, trên Facebook, các đối tượng lập ra nhiều trang shop bán quần áo khác nhau, đăng tải những hình ảnh quần áo bắt mắt, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, giá cả lại vô cùng “hời” để thu hút khách hàng. Các trang này thường đăng hình ảnh chụp thật, cận chất sản phẩm hoặc hình ảnh người mua hàng tại shop để khách mua hàng online tin tưởng.
Khi khách nhắn tin mua hàng, các trang này sẽ lấy lý do là hàng sale số lượng có hạn yêu cầu khách hàng phải chuyển khoản trước mới gửi hàng. Trên thực tế đã có hàng trăm người bị lừa chuyển khoản nhưng không nhận được hàng, sau khi lừa rất nhiều người, chúng xóa trang và tiếp tục lập những trang mới để tiếp tục hành vi lừa đảo.
Hiện nay, rất nhiều người đang tỏ ra bức xúc trước hành vi lừa đảo của một số trang như “LEE STORE”, “Nàng Store”. Mỗi ngày, trang này sẽ đăng tải những sản phẩm sale mới với lời mời gọi giảm giá sốc dịp cuối năm. Những sản phẩm hàng hiệu sẽ được bán với mức giá chỉ 100-300.000 đồng, các đối tượng chạy quảng cáo để thu hút và thúc đẩy hành vi mua hàng của người tiêu dùng, sau đó lừa chuyển khoản trước và “mất hút”.
Chị P.H.L (quận 12, TP.HCM) – một người mua hàng bị lừa chuyển khoản bức xúc chia sẻ: “Mình rất ít khi mua hàng online theo kiểu chuyển khoản trước như vậy, nhưng một ngày lướt facebook thấy quần áo shop LEE STORE này rất đẹp, lại đang sale cuối năm nên mình mới mua, cũng không suy nghĩ quá nhiều, nó bắt chuyển khoản xong 5 ngày mình vẫn không nhận được hàng, vào nhắn tin hỏi thì cái trang bị xóa luôn. Mình bị lừa mất 1 triệu đồng, mong mọi người hãy sáng suốt và thận trọng khi mua hàng online, đừng như mình!”.
Hình thức lừa đảo này đã khiến rất nhiều người “sập bẫy” từ vài năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn cận Tết, khi nhu cầu mua sắm tăng cao. Sau khi khách chuyển khoản, các shop này sẽ lấy lý do trì hoãn thời gian giao hàng, khi khách hàng phát giác lừa đảo thì chúng chặn facebook và “cao chạy xa bay”. Sau khi bị nhiều người tố giác, các trang này sẽ xóa page và lập ra những page tương tự, tiếp tục đăng sản phẩm và lừa đảo khách hàng.
Khảo sát trên mạng xã hội, rất nhiều “nạn nhân” kêu trời vì bị lừa đảo, tuy nhiên vì số tiền vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng cho nên đành “ngậm đắng nuốt cay” cho qua. Đây là một hình thức lừa đảo rất phổ biến nhưng vẫn đánh lừa được hàng loạt người tiêu dùng, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu mua sắm tăng cao, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng hoạt động hết sức mạnh mẽ để đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, sáng suốt khi mua hàng, đặc biệt tránh xa những hình thức mua hàng “chuyển khoản trước – nhận hàng sau” để tránh bị lừa.
Cẩn trọn khi mua hàng online
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thông qua đường dây nóng 18006838, Bộ Công Thương nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại có nhiều, trong đó phải kể đến việc còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật; hoặc vì mục tiêu lợi nhuận mà cố tình cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng nhằm chiếm đoạt tài sản, tiền bạc. Và thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn ở vị thế “yếu” trong các giao dịch online, có sự bất cân xứng thông tin với người bán.
“Khi mua và bán hàng có giá trị, người bán cũng như người mua phải thỏa thuận địa điểm giao hàng, người giao và người nhận phải rõ ràng tên tuổi; nhận tiền mới giao hàng và ngược lại”, Công an TP.HCM cảnh báo.
Để bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức cho các sàn Thương mại điện tử (TMĐT) ký cam kết chia sẻ trách nhiệm, minh bạch thông tin doanh nghiệp trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại; đẩy mạnh phối hợp lực lượng chuyên ngành để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng về các hành vi, phương thức kinh doanh có khả năng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT.
“Mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình trên không gian mạng. Khi TMĐT là xu hướng của thời đại, thì việc trang bị thêm cho mình kiến thức pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết. Ngoài việc lựa chọn những đơn vị bán hàng có thương hiệu, có uy tín, người tiêu dùng khi mua hàng cũng cần tìm những phương thức thanh toán đảm bảo, đồng thời tự nâng cao năng lực phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, không ham rẻ để đặt mình vào những tình huống ‘không biết kêu ai’”, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.