Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Theo VNDirect, các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung quốc bao gồm hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, dệt may, bán lẻ, gạo. Ngược lại, ngành phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực.
Cụ thể, ngành hàng không sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại hoạt động hàng không quốc tế qua việc giảm thiểu các quy định cho khách quốc tế nhập cảnh (chỉ cần xét nghiệm 1 lần âm tính trong vòng 48h thay vì 2 lần như trước, chỉ cần cách ly tại nhà 5 ngày thay vì cách ly tập trung 7 ngày như trước).
Từ đầu tháng 12, nước này cũng cho phép các hãng hàng không Việt Nam khai thác các đường bay thường lệ đến/đi với tần suất 15 chuyến/tuần thay vì 2 chuyến/tuần trong thời gian vừa qua. Ngay khi Trung Quốc có động thái mở cửa, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet đã nhanh chóng triển khai lại các đường bay.
Kỳ vọng tần suất các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi trong thời gian tới, VNDirect ước tính lượng khách quốc tế đi/đến của thị trường tỷ dân sẽ về mức 20%/40%/60%/80% so với trước đại dịch trong quý 1/quý 2/quý 3/quý 4 của năm 2023. Lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch, do đó, việc nước này mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.
Với ngành thủy sản, tuy bị hạn chế nhiều trong nửa đầu năm 2022 nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là trụ cột cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu cá tra đạt 2,1 tỷ USD, trong đó, thị trường Trung Quốc & Hồng Kông dẫn đầu nhập khẩu, chiếm gần 30%, đạt 638 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ.
Vì vậy VNDirect cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2023. Tuy nhiên doanh nghiệp nào có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn được hưởng lợi nhiều hơn, đáng chú ý là: ANV (tỷ trọng doanh thu thị trường Trung Quốc chiếm 14%), IDI (tỷ trọng doanh thu sang Trung Quốc chiếm 40%), VHC (tỷ trọng doanh thu sang Trung Quốc chiếm khoảng 10%)…
Với ngành xi măng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm tới 54% tổng sản lượng năm 2021. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu xi măng tại quốc gia này phục hồi.
Khi sản lượng xuất khẩu phục hồi cũng sẽ giúp các công ty xi măng Việt Nam cải thiện hiệu suất vận hành nhà máy, qua đó giúp tăng biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới (nhờ giảm chi phí khấu hao/từng sản phẩm). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống của BCC (Xi măng Bỉm Sơn), chiếm khoảng 15-20% tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của xi măng Việt Nam. |
Với ngành cao su, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, luôn chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su. Việt Nam là một trong những đối tác cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc với thị phần 10 tháng 2022 là 16,7%, chỉ xếp sau Thái Lan là 33,6%.
Việc Trung Quốc mở cửa cho hoạt động xuất khẩu không chỉ gỡ được nút thắt về sản lượng đầu ra của cao su mà còn tạo đà tăng cho giá cao su tới từ nhu cầu khá cao cho sản xuất lốp xe của quốc gia này. Tất nhiên, các doanh nghiệp dẫn đầu ngành có sản lượng xuất khẩu cao su lớn sang Trung Quốc như PHR, DPR sẽ được hưởng lợi.
Với ngành thép, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng tại quốc gia này phục hồi. Giá bán thép cũng sẽ được kỳ vọng tăng trở lại. Đồng thời, nhu cầu sản xuất công nghiệp tăng tại Trung Quốc cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục. Từ đó giúp các công ty xuất khẩu tôn mạ được hưởng lợi gián tiếp.
Những công ty mạ hàng đầu như HSG, NKG sẽ có cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi. Nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh, HPG có khả năng xuất khẩu thép sang Trung Quốc. Trong giai đoạn 2020-2021, công ty đã bán lần lượt 1,7-1,2 triệu tấn phôi thép sang nước láng giềng.
Với ngành dệt may, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sợi chính của Việt Nam (chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu sợi của Việt Nam). Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu của ngành dệt may. Hơn nữa, kỳ vọng lạm phát Mỹ (chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam) được dự báo giảm về mức khoảng 2-4% trong năm 2023 cũng sẽ là yếu tố phục hồi cho ngành, đặc biệt là mảng sợi.
Các doanh nghiệp sợi sẽ được hưởng lợi, trong đó ADS (CTCP Damsan) là hưởng lợi nhiều nhất do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của ADS, chiếm 80% doanh thu xuất khẩu trong 2021.
CTCP Damsan là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất dệt, sợi. |
Với ngành bán lẻ, bán lẻ đồ điện tử tiêu dùng (ICT) hưởng lợi rõ nhất là mảng sản phẩm Apple, khi Trung Quốc mở cửa thì đảm bảo được sản lượng cung ứng sản phẩm này. Điều này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ ICT giảm bớt đi ảnh hưởng từ sự sụt giảm chung của tiêu dùng trong khi nhu cầu các sản phẩm Apple vẫn còn duy trì tốt hơn so với các sản phẩm ICT khác.
Các công ty ICT kỳ vọng có kết quả đỡ tiêu cực hơn so với giai đoạn tháng 10-11 khi không có nguồn cung sản phẩm Apple. Các cổ phiếu có doanh thu chịu tác động lớn nhất từ Apple có thể kể đến: DGW (khoảng 25-30% doanh thu), FRT (khoảng 20% doanh thu), MWG (khoảng 11% doanh thu điện máy và điện thoại).
Với ngành gạo, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc hiện chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu gạo, đứng thứ 2 xếp sau Philipines. Vì vậy, với việc Trung Quốc mở cửa cũng đồng nghĩa là nhu cầu về gạo sẽ tăng lên.
Hiện tại, các doanh nghiệp niêm yết có tỷ trọng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong cơ cấu doanh thu bao gồm LTG và TAR. Tuy nhiên, tỷ trọng cơ cấu của doanh thu của mảng này rất thấp (chỉ khoảng 5-10%). Hơn nữa, biên lợi nhuận gộp của mảng này cũng rất thấp, chỉ khoảng 5-7%. Do đó, tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa đến các doanh nghiệp này là hạn chế.
Trong khi những nhóm ngành trên hưởng lợi thì phân bón được VNDirect dự báo bị ảnh hưởng tiêu cực. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới (chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu). Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp một lượng cung lớn ra thị trường khiến giá phân bón tiếp tục xu hướng giảm giá.
Hơn nữa, xu hướng giảm này sẽ gia tăng do Nga (nước xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu) sẽ mở kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023.