(NSO) – Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2023 được thực hiện trên tuyến đường Nguyễn Huệ, đoạn từ giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ đến cuối đường Nguyễn Huệ. Thời gian phục vụ Đường hoa là 8 ngày, kể từ 19 giờ ngày 19/1/2023 đến 21 giờ ngày 26/1/2023 (tức từ 28 tháng Chạp âm lịch đến hết Mùng 5 Tết).
Đường hoa Nguyễn Huệ 2023 Tết Quý Mão 2023 có chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Xuân an vui, xuân thịnh vượng” sẽ tràn ngập muôn sắc hoa xuân cùng diện mạo ấn tượng để ghi dấu mốc 20 năm công trình văn hóa độc đáo đã thành biểu tượng mới của TPHCM vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Cũng như năm 2022, cổng chào Đường hoa Tết 2023 không nằm ở vị trí trung tâm mà được dịch chuyển sang một bên để tạo không gian thoáng rộng hơn cho Lễ khai mạc và tối ưu hóa về mặt lưu thông trong những ngày Đường hoa mở cửa phục vụ công chúng thưởng ngoạn. Để đảm bảo tính hài hòa của Đường hoa khi đảo lớn chuyển sang một bên, hai đảo nhỏ trong tạo hình cổng chính cũng được bố trí lệch nhau. Đồng thời, phông nền đại cảnh phía sau đảo lớn được phân thành lớp trải dài từ phải sang trái với hơn 90 giỏ hoa được sử dụng trên vách tre cao 5,9m và rộng 46,3m, xen kẽ với những bông hoa lớn được tạo hình bởi khung sắt, ốp lưới mây mắt cáo làm cánh hoa.
Sáu linh vật ở cổng Đường hoa có chiều cao từ 0,8-4,5m, được tạo hình bằng xốp, sơn mỹ thuật bề mặt giả gốm. Các linh vật đại diện cho năm Quý Mão tại vị trí cổng chính không chỉ mang nét biểu cảm đáng yêu của mèo, mà còn thể hiện những cử động đặc trưng như liếm tay (chân trước), vươn tay, đẩy bát. Đặc điểm đáng yêu này chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách nhỏ tuổi.
Trên diện tích hơn 240m2 sau lưng cổng chào Đường hoa 2023, khách thưởng ngoạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng lại toàn bộ 20 linh vật đã từng xuất hiện tại vị trí cổng chào Đường hoa trong hai thập kỷ, có dịp chụp ảnh chung với hình ảnh đại diện con giáp của mình, và đặc biệt hơn là có thể so sánh hai tạo hình khác nhau của cùng một linh vật. Qua 20 năm Đường hoa, tổng cộng có 8 linh vật đã đến, đã đi và quay trở lại gồm các linh vật: Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần và Mão. Các linh vật tại đại cảnh “Vùng ký ức” được thể hiện ở mức tương đồng đến 80% so với nguyên bản năm xưa.
Tại Đường hoa Tết Quý Mão, 70 hình ảnh linh vật mèo được cách điệu thể hiện đa dạng về kích thước (thấp nhất 0,6m, cao nhất 5,5m), đa dạng về chất liệu từ mút xốp, sắt, sơn mỹ thuật, phủ mùn cưa, giả đất nung đến ốp hoa tươi… Dưới nhiều sắc thái, biểu cảm khác nhau từ dễ thương, nghiêm túc, tinh nghịch, lười biếng đến tò mò, linh vật Đường hoa năm nay sẽ không gây nhàm chán cho bất kỳ khách tham quan nào đi trọn hơn 600m Đường hoa.
Điểm nổi bật của Đường hoa 2023 là sự thay đổi tiểu cảnh hoa tại khu vực tượng đài Bác Hồ phía trước tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố. Thay cho 36 chậu mai như mọi năm, năm nay 68 cội mai vàng đến từ làng mai Bình Lợi (TPHCM) sẽ tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ mà dung dị cho khu vực tôn nghiêm này. Đến đây, khách thưởng ngoạn sẽ có cảm giác như đang lạc bước vào một vườn mai tự nhiên ngay giữa lòng thành phố, nhẹ nhàng chiêm ngưỡng loài hoa xuân đặc trưng của đất phương Nam mang ý nghĩa biểu trưng cho sự đầm ấm, sum vầy, cát tường và hạnh phúc.
Mây tre trở thành vật liệu chủ đạo trong trang trí phối hợp cùng sắt, nguyên vật liệu không thể thiếu trong việc tạo kết cấu, tạo khung sườn, phân thành đa tầng cao độ, trải dài hơn 600 m toàn trục Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2023. Nhiều năm nay, việc tăng cường sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường đã trở thành một trong các tiêu chí bắt buộc trong thiết kế và xây dựng Đường hoa Nguyễn Huệ.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2023 được chia thành 2 chương, gồm “Xuân An Vui” và “Xuân Thịnh Vượng”. Dài hơn 600 m, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2023 sử dụng nhiều chất liệu thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng như kim loại, xốp, mây, tre, nứa, gạch, vải, dây thun… cùng khoảng 88 loại hoa, 18 loại lá, gần 106.000 chậu, giỏ hoa các loại, hơn 300 m2 cỏ.
P.V