Lý giải về một số ý kiến cho rằng mùa Đông năm nay đến muộn, cuối tháng 11 mà thời tiết vẫn còn oi nóng, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, xu hướng nhiệt độ tăng trong tương lai gần như chắc chắn. Dù chúng ta có cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức thì lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển hiện nay cũng đã làm cho Trái Đất nóng lên hơn 1 độ C so với giữa thế kỷ.
Điều đó có nghĩa, trong tương lai, chúng ta có thể có nhiều mùa Đông ấm. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy, các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ xảy ra nhiều hơn về tần suất và cường độ.
Ví dụ như đợt rét đậm, rét hại xảy ra 39 ngày năm 2008; đợt mưa tuyết diện rộng tới tận Kỳ Sơn (Hà Tĩnh) năm 2016, có thể lặp lại trong tương lai. Do vậy, rất có thể chúng ta vẫn sẽ chứng kiến các đợt lạnh mạnh, sâu trong bối cảnh mùa Đông ấm.
Theo tiêu chí của Tổ chức Khí tượng thế giới, rét đậm là hiện tượng khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động trong khoảng từ 13-15 độ C. Trong khi đó, rét hại là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới mức 13 độ C. Vì vậy, thời điểm hiện tại, đợt rét đậm đầu tiên chưa xảy ra, nên chưa thể kết luận rét đậm, rét hại đến sớm hay muộn.
Bên cạnh đó, theo đặc điểm khí hậu, mỗi năm tần suất và chu kỳ hoạt động của khối không khí lạnh ở Bắc bán cầu sẽ khác nhau. Vì thế, các giai đoạn tăng nhiệt và giảm nhiệt ở khu vực Bắc bộ do tác động của không khí lạnh cũng khác nhau.
Tính trung bình, thông thường rét đậm xuất hiện vào khoảng tuần thứ 3-4 của tháng 12 (dịp Noel hàng năm). Tuy vậy, theo dự báo hiện tại, có khả năng đầu tháng 12/2022, các tỉnh Bắc Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, có mưa, nên khả năng rét đậm sẽ xuất hiện tại Bắc Bộ trong chính đợt không khí lạnh mạnh này. Như vậy, so với trung bình nhiều năm thì cũng không phải là muộn.
Thông thường, các tháng mùa Đông (tháng 12 và tháng 1, 2 năm sau) cùng các tháng chuyển mùa (tháng 11, tháng 3), khối không khí lạnh ở phía Bắc vẫn thường xuyên hoạt động theo từng đợt.
Tuy nhiên, chỉ khi không khí lạnh có cường độ mạnh, nhiệt độ trung bình ngày khoảng dưới 15 độ C và 13 độ C, đi kèm hiện trạng thời tiết này là trời nhiều mây và mưa thì khi đó chúng ta mới có cảm nhận rõ về rét đậm, rét hại.
Còn đối với các đợt không khí lạnh tăng cường yếu, không khí lạnh chỉ gây ra gió Đông Bắc mạnh cấp 5-6 trên biển, không có hệ thống thời tiết kết hợp gây mưa nên trời vẫn có nắng; nhiệt độ ban ngày tăng cao khiến cảm giác khá oi với nhiệt độ vào tầm trưa và chiều có ngày lên trên 32 độ C.
Dự báo nền nhiệt độ các tháng chính Đông năm nay ở mức xấp xỉ đến cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Xen kẽ các đợt không khí lạnh tăng cường yếu với thời tiết oi nóng thì có thể xuất hiện đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại.
Trong các đợt có ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, gây rét đậm, rét hại, với nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá thì có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Rét đậm, rét hại xảy ra trong mùa Đông năm nay trọng tâm ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai. Vì vậy, khi có thông tin dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại, bà con vùng núi cao cần khẩn trương kiểm tra chuồng trại, che chắn bảo đảm tránh rét cho gia súc gia cầm.
Với các hộ chăn thả tự do cần chú ý kiểm đếm khoanh vùng tập trung, cung cấp và dự trữ đủ thức ăn. Với các diện tích rau màu nhỏ, sáng sớm nên phun qua nước để tránh đọng sương lạnh gây cháy lá.
Riêng với người dân trồng hoa Tết, bà con cần có kế hoạch chăm sóc hoa cho phù hợp khi có sự thay đổi thời tiết giữa lúc khu vực chịu ảnh hưởng của không khí lạnh và sau đó là thời kỳ không khí lạnh suy yếu.