(NSO) – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19/11 tại Hà Nội.
Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận
Tại buổi lễ thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng thân ái gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong những năm tháng chiến tranh đầy cam go, ác liệt nhưng với tinh thần “Ở đâu có dân, ở đó có lớp học”, “Giải phóng đến đâu, giáo dục phát triển tới đó”, các nhà giáo cách mạng với tâm huyết, trách nhiệm đã vượt biết bao gian nan, hiểm nguy để dựng trường, mở lớp, chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Trong công cuộc đổi mới, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Thủ tướng, chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta những năm qua được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Học sinh Việt Nam đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, tự chủ đại học được thúc đẩy, một số trường của Việt Nam được xếp vào tốp 500 trường đại học tốt nhất châu Á và tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới[1]. Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, nhiều năm liền Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại cuộc thi Kỹ năng nghề ASEAN.
Hơn hai năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 nhưng nhiều mô hình, phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo, nhất là dạy học trực tuyến đã được triển khai với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng, được nhân dân ghi nhận, xã hội đánh giá cao.
“Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai. Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết, cống hiến với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh”, Thủ tướng bày tỏ.
Các thầy, cô phải như người cha, người mẹ thứ hai của học sinh
Thủ tướng cho rằng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều cơ hội, vận hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách mới. Sự nghiệp giáo dục đào tạo của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, tồn tại cần sớm khắc phục và những khó khăn, thách thức phải vượt qua.
Đối với đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng mong muốn mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Thủ tướng mong rằng các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức – luyện tài, tâm huyết, yêu nghề – yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, linh hoạt có cách tiếp cận mới trong dạy và học…
Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó; về đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật…
Bên cạnh đó, các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các cháu; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân – thiện – mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại…
Thủ tướng nhắn nhủ phụ huynh, học sinh phải luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với thầy cô; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội.
Nhân dịp này Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại… để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.
Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo sẽ khắc phục khó khăn, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh.
Theo baodansinh