(NSO) – Hơn 30 nghệ sĩ nổi tiếng cùng hàng trăm người dân, chuyên gia và người sống với HIV đã tham gia sự kiện truyền thông ý nghĩa tại TPHCM, khởi động chiến dịch nhân kỷ niệm 35 năm Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên (1990–2025) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2025.
Lan tỏa tinh thần đồng hành và thấu cảm
Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM vừa tổ chức sự kiện khởi động chiến dịch truyền thông “Chung tay chấm dứt đại dịch AIDS – Hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và đánh dấu 35 năm Việt Nam ứng phó với đại dịch HIV/AIDS.
Tham dự chương trình có sự góp mặt của hơn 30 nghệ sĩ, người nổi tiếng cùng đại diện cộng đồng người sống với HIV, các tổ chức xã hội và tình nguyện viên đến từ khắp mọi miền tổ quốc.
Trong không khí ấm áp và sẻ chia, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân và thông điệp truyền cảm hứng nhằm kêu gọi cộng đồng xóa bỏ kỳ thị, tạo điều kiện để người nhiễm HIV được sống, làm việc và điều trị như bao người khác.
Là gương mặt quen thuộc trong các chiến dịch phòng chống HIV/AIDS nhiều năm qua, Hoa hậu H’Hen Niê xúc động kể lại hành trình gắn bó với cộng đồng từ trước khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017.
“Ban đầu, Hen rất bỡ ngỡ vì thiếu hiểu biết về HIV. Nhưng càng tham gia, Hen càng thấy mình học được nhiều điều, hiểu và thương cộng đồng này nhiều hơn. Chính sự hiện diện, tiếng nói và hình ảnh của mình giúp họ cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, được yêu thương, được bảo vệ. Vậy nên, Hen sẽ đồng hành hoài hoài với cộng đồng này”, H’Hen Niê chia sẻ.
Hoa hậu H’Hen Niê cho biết, thời kỳ dịch COVID-19, cô đã cùng các đoàn thiện nguyện đến từng nhà trọ, hỗ trợ thực phẩm, phát thuốc ARV và nấu ăn cho người sống với HIV. “Hen nghĩ, việc nhỏ cũng có thể tạo thay đổi lớn”, hoa hậu H’Hen Niê cho hay.
NSND Trịnh Kim Chi bày tỏ sự xúc động khi nhìn lại hành trình hơn 30 năm cả nước cùng cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS vượt qua kỳ thị và những tổn thương dai dẳng: “Ngày xưa, khi nhắc đến HIV, mọi người rất hoang mang, e ngại. Nhưng hôm nay, Kim Chi đã có thể bắt tay, ôm người nhiễm HIV – không còn khoảng cách nào nữa. Sự hiểu biết chính là chìa khóa để chúng ta xích lại gần nhau, để cảm thông, để hành động”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
NSƯT Tuyết Thu cho rằng vai trò của người nghệ sĩ không chỉ là biểu diễn mà còn là truyền cảm xúc tích cực cho cộng đồng, đặc biệt trong những vấn đề xã hội như HIV/AIDS: “Nghệ sĩ có khả năng truyền tải thông điệp bằng cảm xúc và trái tim. Khi chúng tôi đến gần cộng đồng sống chung với HIV, điều đầu tiên chúng tôi mang đến không phải là nổi tiếng – mà là sự chân thành, sự hiện diện, cái ôm, cái nhìn, cái nắm tay. Từ đó, chúng tôi có thể phá bỏ dần dần những rào cản xã hội đang vây quanh họ”, NSƯT Tuyết Thu xúc động chia sẻ.
Cùng chia sẻ, kết nối yêu thương và hành động
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Phong – Phó Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM – nhận định: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau 35 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS và mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030 hoàn toàn khả thi nếu tiếp tục duy trì sự hỗ trợ chính sách, nỗ lực từ các cấp chính quyền, cộng đồng và đặc biệt là các nghệ sĩ truyền cảm hứng.
Ảnh: BTC
“Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân vẫn còn nhiễm HIV là do thiếu kiến thức. Chiến dịch năm nay không chỉ là truyền thông – mà là lời kêu gọi hành động, kết nối, sẻ chia. Nghệ sĩ, cộng đồng, người nhiễm HIV cần bắt tay nhau – không ai đứng ngoài cuộc chiến này”, ông nhấn mạnh.
Sự kiện do Hội Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM tổ chức không chỉ là hoạt động truyền thông đơn lẻ, mà là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng. Từ chỗ sợ hãi, né tránh, nay người dân đã biết rằng HIV không lây qua bắt tay, ôm hôn hay ăn uống chung – và rằng người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, lao động và đóng góp cho xã hội nếu được điều trị ARV đầy đủ.
Tại sự kiện, nhiều người sống chung với HIV đã mạnh dạn bước lên sân khấu chia sẻ về hành trình chữa trị, về những khó khăn từng trải qua và quan trọng nhất là niềm tin của họ vào tương lai khi nhận được sự đồng hành từ xã hội, nghệ sĩ và các tổ chức hỗ trợ.
Sự kiện khởi động chiến dịch truyền thông tại TPHCM một lần nữa khẳng định rằng: Cuộc chiến với HIV/AIDS không phải chỉ của ngành y tế, mà là trách nhiệm của toàn xã hội – từ chính quyền, cộng đồng, đến các cá nhân có ảnh hưởng. Trong đó, tiếng nói của người nghệ sĩ, sự thấu hiểu của công chúng và sự chủ động của mỗi người là nền tảng quan trọng để xóa bỏ kỳ thị và đạt tới mục tiêu “không còn ca nhiễm mới, không còn cái chết vì AIDS, không còn kỳ thị” vào năm 2030.
Sự kiện quy tụ nhiều người nổi tiếng, góp phần lan tỏa tầm ảnh hưởng của chương trình. Ảnh: BTC
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS nay là Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tính đến tháng 6/2025, cả nước đã phát hiện tổng cộng 4.586 ca nhiễm HIV mới, 527 ca tử vong do AIDS. Tổng số người nhiễm HIV còn sống là 249.962 người, và đã có 116.531 người tử vong liên quan đến AIDS. Những con số này cho thấy dịch HIV vẫn còn là mối đe dọa, nhưng cũng phản ánh sự kiểm soát ngày càng hiệu quả nhờ điều trị bằng thuốc ARV và các chương trình phòng ngừa, xét nghiệm sớm.
Mục tiêu quốc gia đến năm 2030 là chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam theo các mục tiêu 95–95–95 (95% người nhiễm biết tình trạng của mình; 95% người biết tình trạng được điều trị; 95% người điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện).
P.V